Sau khi đạt đỉnh vào tháng 3, cùng thời điểm giá thép lên cao, sản lượng bán thép xây dựng của Hòa Phát giảm liên tiếp ba tháng tiếp theo.
Số liệu sản xuất và bán hàng trong tháng 6 của Hòa Phát cho thấy, sản lượng sản xuất thép thô của tập đoàn đạt 658.000 tấn, tăng 49% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 569.000 tấn, biên độ tăng chỉ còn 10%. Trong đó, thép cuộn cán nóng (HRC) và thép xây dựng đều đạt 230.000 tấn mỗi loại.
Nếu so với cùng kỳ, cả sản xuất và bán hàng của Hòa Phát đều tăng, nhưng biên độ đã thu hẹp so với lũy kế những tháng trước. Sản lượng bán thép xây dựng 230.000 tấn cũng là mức thấp nhất trong bốn tháng gần đây, và là tháng giảm thứ ba liên tiếp.
Trước đó, mức đỉnh về hoạt động của Hòa Phát được xác lập vào tháng 3, với sản lượng bán hàng lần đầu vượt 1 triệu tấn trong một tháng, riêng thép xây dựng đạt gần 480.000 tấn. Mức tăng về sản lượng bán hàng với thép xây dựng, HRC và phôi thép của tháng 3 so với cùng kỳ cũng đều trên 30%.
Theo Hòa Phát, sản lượng bán hàng thép xây dựng và ống thép giảm so với cùng kỳ và tháng trước do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư trên toàn quốc, đặc biệt là TP HCM và các tỉnh phía Nam, cộng với mùa mưa đã bắt đầu.
Lũy kế 6 tháng, sản lượng bán hàng thép xây dựng Hòa Phát đạt 1,8 triệu tấn, tăng 22%. Sản lượng thép cuộn cán nóng vượt 1,3 triệu tấn, còn lượng phôi thép phục vụ thị trường trong và ngoài nước là 608.000 tấn.
Doanh số bán hàng của "vua thép" liên tục giảm một phần cũng cho thấy sức cầu từ thị trường đang chậm lại. Thực tế, giá thép trong nước cũng liên tục giảm trong hơn một tháng qua sau nhịp tăng đột biến đầu năm. Nguyên nhân do giá phôi thép, nguyên vật liệu sản xuất hạ trên thị trường thế giới, nhất là tại Trung Quốc. Ở trong nước, một số vùng đã bước vào mùa mưa nên nhu cầu của mặt hàng vật liệu xây dựng, trong đó có thép chững lại.
Tuy nhiên, theo các nhà thầu xây dựng, giá đã hạ nhiệt nhưng thép trong nước vẫn ở mức cao. Ngưỡng giá trên 16 triệu đồng hiện nay được đánh giá là mức cao so với trước, và biên lợi nhuận của doanh nghiệp trong các hợp đồng chào thầu rất mỏng do thép chiếm 20-30% trị giá mỗi công trình.
Theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), xu hướng giảm giá thép sẽ không giữ lâu, thậm chí giá có thể lập một mặt bằng mới. Và việc giá thép quay trở lại ngưỡng giá như trước khi có Covid-19 là điều khó xảy ra.
Để bình ổn giá mặt hàng này, VSA khuyến nghị các doanh nghiệp thép trong nước hạn chế xuất khẩu, tăng cung thép cuộn cán nóng, thép thô cho thị trường nội địa. Các doanh nghiệp thép trong nước nên tăng tối đa công suất, tổ chức lại hệ thống phân phối để ổn định nguồn cung trong nước. Giá thép cũng cần được doanh nghiệp kê khai, niêm yết phù hợp.
Tác giả: admin
Ý kiến bạn đọc